Được sự đồng ý của TS. Lê Thu Hà, giảng viên đại học ngoại thương, SB trân trọng đăng nội dung bài viết nêu trên.
Mời quý vị đón đọc tại đây:
Theo yêu cầu của các độc giả, mình cũng tát fb theo TPP. Đây chỉ là những thông tin cập nhật từ bản dự thảo TPP ngày 5.8 vì vậy có thể có những điểm chưa cập nhật so với bản 6.10.2015. Và vì bản 5.8 cũng chỉ là bản leaked nên có thể có những điểm đã thay đổi. Các bạn đừng ngạc nhiên vì ảnh minh họa là các bạn Mickey vì nếu TPP thông qua, các bạn này là người được hưởng lợi đầu tiên! Chương SHTT của TPP bao gồm 8 điều khoản nhưng dài đến 95 trang. Đây được xem là lĩnh vực Trade-off vì vậy đã thực sự gây nhiều tranh cãi trong quá trình đàm phán. Rất nhiều nội dung về SHTT trong TPP vượt quá xa so với các chuẩn mực của WTO/TRIPs và so với các FTA mà Mỹ ký với Singapore hay Hàn Quốc. Xin tóm tắt một số điều khoản chính như sau:
1. Điều khoản chung
Ngoài quy định chung về đối xử quốc gia, về minh bạch, về áp dụng các hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật trước đó, TPP còn yêu cầu các bên tham gia TPP, vào thời điểm TPP có hiệu lực, phải gia nhập và phê chuẩn một loạt điều ước quốc tế về SHTT đang có hiệu lực. Tuy phần lớn các điều ước này Việt Nam đã gia nhập và phê chuẩn, nhưng vẫn còn một số điều ước Việt Nam vẫn chưa tham gia, trong đó có Hiệp ước Singapore về Luật nhãn hiệu năm 2006, Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về bằng sáng chế năm 1977, sửa đổi năm 1980.
2. Hợp tác
Phần này không có nhiều vấn đề gây bất đồng giữa các quốc gia đàm phán và đã thống nhất trong việc hợp tác trên 3 nội dung sau: thực thi các Điều ước quốc tế; hoạt động hợp tác cụ thể; hợp tác về bằng sáng chế.
3. Nhãn hiệu
Với 12 điều khoản quy định, phần Nhãn hiệu chứa đựng những điểm mới so với quy chuẩn quốc tế được xác định trong Hiệp định TRIPS như sau:
– Bảo hộ nhãn hiệu không nhìn thấy như âm thanh và mùi hương: đây là điều khoản linh hoạt của TRIPs và cũng là điểm mới so với luật Việt Nam, với quy định này của TPP, các quốc gia sẽ phải bảo hộ như nhãn hiệu cả các dấu hiệu không nhìn thấy được.
– Mở rộng khái niệm về chỉ dẫn địa lý so với điều 22.1 của TRIPS và Luật SHTT Việt Nam: nghĩa là những dấu hiệu mà có thể có chức năng như chỉ dẫn địa lý vẫn sẽ phù hợp để được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu”. Cùng với việc mở rộng phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu, quy định này cũng sẽ khiến Việt Nam phải sửa đổi luật trong nước và bảo hộ cho nhiều chỉ dẫn địa lý nước ngoài mà chúng sẽ không bảo hộ trên cơ sở của TRIPS và của luật trong nước.
– Mở rộng quy định về các dấu hiệu giống/tương tự của nhãn hiệu: Điều QQ.C.3 đã mở rộng phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu so với điều 16.1 của TRIPs từ việc cấm sử dụng những dấu hiệu giống hoặc tương tự “cho các hàng hóa hoặc dịch vụ giống hoặc tương tự” tới việc cấm sử dụng dấu hiệu tương tự “cho hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu của chúng đã được chủ sở hữu đăng ký”. Quy định này lại tương tự với điều 129trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 của Việt Nam.
4. Chỉ dẫn địa lý
Quy định về cơ sở phản đối việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý: TRIPS nhấn mạnh việc ngăn chặn bảo hộ đối với các chỉ dẫn địa lý mà “khiến cho công chúng hiểu sai về xuất xứ thực” (Điều 22.3) thì TPP lại nhắm tới những chỉ dẫn địa lý “có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đã tồn tại trước đó”. Đây có thể coi là phần mở rộng quy định trong TPP bởi theo đó, miễn là chỉ dẫn địa lý có những đặc điểm gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý đã có thì cho dù có khiến công chúng hiểu sai về xuất xứ thực hay không, chỉ dẫn địa lý đó vẫn sẽ bị từ chối cấp bảo hộ.
5. Bằng sáng chế/Dữ liệu thử nghiệm chưa công bố/Tri thức truyền thống
– Đơn giản hóa và mở rộng tiêu chuẩn đối với việc cấp bằng sáng chế: quy định này của TPP đã tạo nên một tiêu chuẩn mới cho việc cấp bằng sáng chế theo đó các Bên sẽ phải cấp patent cho các sáng chế nếu có những đặc tính khác biệt ngay cả khi sáng chế đó không nhằm tăng cường hiệu quả đã được biết đến. Điều này sẽ dấn đến việc lạm dụng “evergreening” của các công ty dược phẩm. Và mỗi bằng sáng chế mới cho dạng thức, cách thức sử dụng mới của một dược phẩm đang có sẽ được bảo hộ thêm hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn yêu cầu bảo hộ, và dẫn đến là sẽ kéo dài thời gian chủ sở hữu bằng sáng chế được hưởng lợi ích từ việc có quyền độc quyền đối với sáng chế mới đó. Nội dung của điều khoảncũng chứa đựng nhiều điểm không tương thích, hay nói một cách chính xác là đưa ra những quy định mới làm cho việc cấp bằng sáng chế trở nên dễ dàng hơn, từ đó, bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu bằng sáng chế, trong đó có các công ty dược phẩm lớn của Hoa Kỳ.
– Mở rộng thời gian bảo hộ đối với sáng chế nhằm bù đắp khoảng thời gian trì hoãn : TPP phải mở rộng khoảng thời gian bảo hộ đối với sáng chế vượt quá thời hạn bảo hộ tối thiểu 20 năm được quy định trong TRIPs trong một số trường hợp như: chậm trễ trong việc cấp patent hay xuất phát từ việc phê chuẩn quy trình tiếp thị đối với các dược phẩm. Đối với các nước tham gia đàm phán TPP khác, thì đây cũng là một đề xuất mới. Trong hệ thống pháp luật của Australia, của Malaysia hay của Việt Nam không có quy định về vấn đề này.
– Mở rộng quyền độc quyền về dữ liệu
TPP quy định để mở rộng quyền độc quyền về dữ liệu, vượt quá các yêu cầu của TRIPs (TRIPs không có đưa ra yêu cầu về quyền độc quyền đối với dữ liệu). Như vậy TPP đã loại bỏ sự linh hoạt có được trong TRIPs và áp đặt mô hình độc quyền dữ liệu của Hoa Kỳ đối với các Bên tham gia TPP. Điều này sẽ làm tăng khả năng độc quyền đối với dược phẩm, dẫn đến bất lợi cho các nước đang phát triển là thành viên TPP và người dân của những nước này.
6. Kiểu dáng công nghiệp
Phần này không có gì đặc biệt.
7. Quyền tác giả và các quyền liên quan
Quyền tác giả và các quyền liên quan cũng hàm chứa những quy định mới so với khung pháp lý hiện tại của nhiều quốc gia tham gia TPP, cụ thể:
– Quyền độc quyền về sao chép (Exclusive Reproduction Right)
TPP quy định mang lại cho tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi quyền độc quyền lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến việc sao chép các tác phẩm đã được bảo hộ bằng quyền tác giả. Điều 9 của Công ước Berne chỉ đề cập đến quyền cho phép, còn không đề cập đến việc các tác giả đó có thể cấm việc sao chép dưới bất kỳ hình thức nào hay không, không đề cập đến việc cấm sao chép dưới dạng lưu trữ tạm thời tại các bản ghi điện tử. Đối với Việt Nam, quy định trong Bản dự thảo cũng đã mở rộng hơn so với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam khi luật Việt Nam không quy định gì về việc sao chép “thường xuyên hay tạm thời.
– Nhập khẩu song song (Parallel Importation)
TPP đã tạo ra một tiêu chuẩn quốc tế mới liên quan đến việc nhập khẩu song song, theo đó, người sở hữu quyền có quyền cho phép hoặc cấm việc nhập khẩu song song này vì lợi ích của mình. Quy định này khắt khe hơn so với quy định của TRIPS vì TRIPS cho phép các Thành viên WTO có quyền tự do lựa chọn quy định hoặc không quy định về vấn đề này trong nội luật của mình. Quy định này không có trong Công ước Berne, trong hệ thống pháp luật về bản quyền của Hoa Kỳ và của một số nước tham gia đàm phán TPP. Thực tế, nếu điều này được thông qua, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như của người kinh doanh, vì lúc đó, quyền cho phép nhập khẩu song song hoàn toàn nằm trong tay của người sở hữu quyền, mà không còn linh hoạt như hiện nay..
– Các biện pháp bảo hộ mang tính công nghệ
Các biện pháp bảo hộ mang tính công nghệ được đưa ra nhằm chống lại các hành vi vượt qua rào cản công nghệ (circumvention) để chống lại việc qua mặt các biện pháp công nghệ mà tác giả, người biểu diễn hoặc nhà sản xuất bản ghi sử dụng liên quan đến việc thực hiện các quyền của họ để hạn chế các hành vi không được phép đối với tác phẩm, buổi biểu diễn và bản ghi, đề xuất các bên tham gia đàm phán TPP phải đưa ra các quy định để quy trách nhiệm cho một loạt những người có liên quan. Trách nhiệm này đòi hỏi phải là trách nhiệm hình sự, đi kèm với các biện pháp khắc phục khác để đảm bảo quyền lợi của người sở hữu quyền.
– Quyền quản lý thông tin
TPP quy định liên quan đến quyền của người sở hữu quyền về quản lý thông tin nhằm hạn chế các hành vi xâm phạm bản quyền và các quyền có liên quan, đồng thời mở rộng phạm vi của các hoạt động bị cấm. Liên quan đến quyền này, Bản dự thảo đề nghị các bên tham gia TPP phải quy định cấm bất kỳ người nào không có thẩm quyền và biết hoặc có cơ sở hợp lý để biết rằng các hành động sẽ dẫn đến, cho phép, thúc đẩy việc vi phạm bản quyền hoặc các quyền có liên quan bằng cách loại bỏ, biến đổi, cung cấp, nhập khẩu quyền quản lý thông tin; phân phối, nhập khẩu, phát thanh, truyền hình, trao đổi hoặc đưa ra công chúng tác phẩm, cuộc biểu diễn hoặc bản ghi khi biết rằng quyền quản lý thông tin đã bị loại bỏ hoặc thay đổi không phép. Điều cần chú ý ở đây là việc bổ sung quy định cấm một cá nhân phát thanh, truyền hình, thông tin hoặc đưa ra công chúng một tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi là một quy định mới so với khung pháp lý hiện tại về bản quyền.
8. Thực thi
– Các thủ tục dân sự, hành chính và các biện pháp khắc phục: TPP đưa ra những quy định về các thủ tục dân sự, hành chính và các biện pháp khắc phục liên quan đến việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ.
9. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISPs)
Trong phần này, đáng lưu ý là đề xuất của một số nước, đặc biệt là Canada nhằm nâng cao tính linh hoạt trong các quy định đối với các ISP mà Hoa Kỳ đã từng đề xuất, cụ thể:
TPP quy định rằng mỗi Bên sẽ có quyền giới hạn trách nhiệm hoặc các biện pháp khắc phục đối với các ISP (với tư cách là các trung gian) trong trường hợp vi phạm bản quyền và các quyền liên quan. Điều này loại bỏ những quy định giới hạn chặt chẽ, bó hẹp về trách nhiệm của các ISP mà Hoa Kỳ từng đề cập.
Tóm lại là, nếu để tách riêng SHTT ra khỏi các lĩnh vực đàm phán khác của TPP thì quả là một thảm họa cho các nước như Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực trade-off nên chúng ta sẽ đánh giá trong tổng hòa các nội dung của TPP
SB là công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế.